Không thể xuyên tạc sự kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong bài phát biểu của Chủ tịch nước
Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện không ít những luận điệu xuyên tạc bài phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại cuộc mítting kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2023); trong đó có bài viết “Ai đã lựa chọn con đường cho Việt Nam?” của Nguyễn Đình Cống. Trước những luận điệu xuyên tạc,
bẻ cong sự thật này, cần phải khẳng định rằng:
Một là, bài phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại cuộc mítting kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa ngắn gọn vừa sâu sắc, thể hiện rõ khát vọng hòa bình, tinh thần và bản lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên con đường thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu này luôn xuyên suốt, nhất quán trong Văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng; trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (2/1930); trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), vì “đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[1]. Mục tiêu đó là sợi chỉ đỏ, in sâu trong tâm khảm mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng và mỗi người dân Việt Nam yêu nước, yêu hòa bình, tự do, công lý và chủ nghĩa xã hội; đồng thời mục tiêu đó cũng đã được Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân kiên trì thực hiện hơn 93 năm qua.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã không chỉ “đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân” mà còn “mở ra bước ngoặt vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”; không chỉ “đưa người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình” đúng như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã khẳng định, mà còn “khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” đã góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do, công lý… Thắng lợi vĩ đại đó không chỉ “là một trong những trang sử vàng chói lọi nhất của dân tộc Việt Nam”, mà còn tạo tiền đề để nhân dân Việt Nam tiếp tục thực hiện sự lựa chọn của mình, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Cho nên, không thể xuyên tạc việc Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định trong bài phát biểu là đã “nhắc lại một cách máy móc, hình như không hề suy nghĩ xem, nói như vậy, đúng, sai chỗ nào”. Sự suy diễn thiển cận này không chỉ là một sự cố chấp, xuyên tạc không khách quan con đường cách mạng Việt Nam được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam lựa chọn đúng đắn, vì “lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”[2], mà còn bôi nhọ uy tín của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Hai là, không thể từ những suy diễn thiển cận của một vài cá nhân, một nhóm người cơ hội, nhân danh dân chủ và đấu tranh cho dân chủ mà quy kết rằng “thật ra, trong việc tìm con đường, nhân dân Việt Nam chẳng lựa chọn gì cả”. Bởi, hãy nhìn tình hình đất nước trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (2/1930) và trước khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thì ắt sẽ hiểu được rằng nhân dân Việt Nam có lựa chọn đi theo Đảng; lựa chọn con đường đấu tranh cách mạng để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội hay không? Và cũng có thể thấy rằng, nếu không có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) thì không thể có một cuộc đổi đời lịch sử sâu sắc, đưa những thần dân Việt Nam, những nô lệ An Nam trở thành chủ nhân một nước Việt Nam độc lập, tự do; đồng thời, đưa đất nước Việt Nam hòa vào dòng chảy chung của cách mạng thế giới và ngày càng khẳng định đượcvị thế của mình trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Nên là, mỗi người dân Việt Nam yêu nước chân chính đều tìm thấy từ bài phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếng lòng của mình; khát vọng của mình về hòa bình, độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội; về tinh thần và ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, chứ không phải người dân Việt Nam hiện nay có “gần trăm triệu người, tạm chia ra ba nhóm, có vai trò, quyền lợi và nguyện vọng cụ thể khá khác nhau”. Việc phân chia theo 3 nhóm dân, trong đó, dân “nhóm một là những người được ưu đãi, có quyền lợi gắn chặt với chế độ. Nhóm này chiếm tỷ lệ tương đối ít”, “nhóm hai là những người lao động bình thường, họ làm việc và đóng thuế cho nhà nước” và “nhóm ba là tầng lớp trung lưu, có nhu cầu cao về tự do dân chủ để lao động sáng tạo, để phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục… Họ có nhu cầu và thích phản biện để vạch ra những sai sót của chính quyền, làm một việc mà lãnh đạo cộng sản rất ghét, rất sợ và ra sức triệt phá” chỉ là sự suy diễn của một ai đó đã xa rời lý tưởng cách mạng của những người cộng sản.
Thật ra, đúng như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã khẳng định: “Tài sản vô giá, sức mạnh to lớn để nhân dân Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh chính là tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí kiên cường và lòng quả cảm, tinh thần quyết tâm, tự lực, tự cường, khát vọng mãnh liệt vì độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc. Các giá trị cao đẹp ấy được hun đúc, bồi đắp, giữ gìn và phát huy qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam”. Cho nên, chẳng có nhóm dân nào được gọi tên hay phân chia giản đơn như những luận điệu phản động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc nêu trên, mà chỉ có những người dân Việt Nam yêu nước chân chính và nhóm những người “nhân danh yêu nước” thường xuyên tạc, kích động, thậm chí bôi đen sự thật để chống phá Đảng và Nhà nước.
Ba là, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một trong những nội dung quan trọng trong bài phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Việc kiên định “lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn” như Chủ tịch nước khẳng định không chỉ thể hiện một trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam; một tâm thế và ý chí Việt Nam trong dòng chảy của nhân loại trên hành trình đi đến tương lai, mà còn cho thấy nguồn sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam, tinh thần “hòa hiếu, nhân nghĩa từ trong mạch nguồn văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam đã vượt qua thử thách của không gian và thời gian, hòa quyện với tinh hoa văn hóa nhân loại, đưa Việt Nam đến với thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam” nhất định sẽ đưa Việt Nam “trở thành một quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045” như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã ghi rõ và được Chủ tịch nước tiếp tục khẳng định trong bài phát biểu.
Cũng cần phải khẳng định rằng: Vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh và trong đường lối của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời, đó là xu hướng phát triển tất yếu của nhân loại và cũng là mục tiêu tiếp theo của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Cho nên, Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội là để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, để giải phóng dân tộc một cách triệt để. Thực tế, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục kiên định với sự lựa chọn này; đồng thời, những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo… của Việt Nam 78 năm qua chính là minh chứng cho thấy kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là đúng đắn, là phù hợp yêu cầu của lịch sử và xu thế phát triển của thời đại.
Vì thế, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam kiên định thực hiện không phải là “chỉ được một vài người chóp bu trong đảng lựa chọn (thậm chí chỉ do một người tự ý chọn theo sự hiểu biết sai lầm của mình) rồi áp đặt cho những người khác”, mà là sự lựa chọn, kiên định đúng đắn của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và mọi người dân Việt Nam. Và cũng vì thế, luận điệu cho rằng, câu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng “nói ở trên là một loại ngụy biện thô bạo, một loại quen nói liều, quen nói dối trước hàng chục triệu người” chính là bẻ cong lịch sử; là xuyên tạc nội dung bài phát biểu của Chủ tịch nước, nên cần phải kịp thời bác bỏ!.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.24
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.8