ĐẢNG BỘ,CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN HUYỆN NAM TRỰC QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
VAI TRÒ CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ -XÃ HỘI TRONG VIỆC BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI
Lượt xem: 33
    Các thế lực thù địch luôn sử dụng vấn đề nhân quyền và dân chủ làm công cụ chống phá chế độ chính trị, xã hội ở nước ta trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên thực tế, quyền con người ở nước ta luôn được Đảng và Nhà nước bảo vệ, bảo đảm ngày càng tốt hơn. Ở góc độ thiết chế xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội đã có nhiều thể chế hóa thành nội dung cụ thể trong vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, để thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong mỗi tổ chức và xã hội.
Quyền con người (nhân quyền) là giá trị cao quý của xã hội loài người, được cộng đồng quốc tế và mọi quốc gia trên thế giới thừa nhận và bảo đảm. Ở Việt Nam, quyền con người luôn được Đảng và Nhà nước ta tôn trọng và bảo đảm bằng các chủ trương, đường lối, bằng hiến pháp, pháp luật và các thiết chế chính trị, xã hội khác nhau. Mục tiêu xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa của nước ta trong Cương lĩnh 1991 (bổ sung phát triển 2011) của Trung ương Đảng nêu rõ 8 đặc trưng cơ bản, đều hướng tới các giá trị tốt đẹp vì con người, quốc gia, dân tộc; mang lại giá trị tốt đẹp, ưu việt cho nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn sử dụng vấn đề nhân quyền và dân chủ làm công cụ chống phá chế độ chính trị, xã hội ở nước ta trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; chúng sử dụng các chiêu bài nhằm xuyên tạc sự thật, phủ nhận các giá trị và thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; chúng dùng lợi ích kinh tế để mua chuộc; dùng ngoại giao để hỗ trợ, hậu thuẫn; dùng vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, môi trường để làm ngòi nổ. Song, tất cả các chiêu bài và luận điệu phản động của các thế lực thù địch đều thất bại do vấn đề nhân quyền ở nước ta luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử; hệ thống pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng được hoàn thiện, trong đó quyền con người, quyền công dân được bảo vệ, bảo đảm trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và ngày càng tiến bộ.
Trong thời kỳ đổi mới, từ năm 1986 đến nay, quyền con người ở nước ta ngày càng được bảo vệ và bảo đảm tốt hơn. Trải qua các kỳ Đại hội, trong Văn kiện, Đảng ta luôn đề ra những yêu cầu và nhiệm vụ phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng, đối ngoại; trong đó, quan tâm đến bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Đại hội XIII của Đảng (2021) xác định:“ Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Quyền con người ở nước ta được bảo đảm bằng Hiến pháp và hệ thống pháp luật của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thông qua các thiết chế nhà nước; Hiến pháp năm 2013 dành 36 điều trong tổng số 120 điều để quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Ngoài thiết chế nhà nước, thiết chế xã hội thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng đều có cơ chế bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, việc bảo vệ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên luôn được xác định là mục tiêu cốt lõi được thể hiện trong luật, điều lệ, chương trình công tác, kế hoạch, chương trình hành động của mỗi tổ chức; suy cho cùng việc thực hiện các mục tiêu nói trên chính là bảo vệ, bảo đảm quyền con người, thể hiện ở một số nội dung sau:
Một là: Thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nhân dân, đoàn viên, hội viên.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là cầu nối quan trọng giữa Đảng với dân, là nơi nhân dân, đoàn viên, hội viên được thực hành dân chủ thông qua việc tiếp xúc cử tri, phản ánh, báo cáo ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, đoàn viên, hội viên đến Quốc Hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác tuyên tuyền phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, tổ chức vận động thực hiện quyền dân chủ thông qua việc xây dựng các quy chế, hương ước, quy ước, thỏa ước lao động tập thể, quỹ phúc lợi để chăm lo và quy định quyền lợi trách nhiệm của cá nhân liên quan. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được trình dự án luật ra trước Quốc Hội liên quan đến tổ chức, nhằm đảm bảo các hoạt động, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, của đoàn viên, hội viên; tham gia tiếp công dân, đoàn viên, hội viên để giải quyết khiếu nại, tố cáo; cử đại diện để thể hiện quan điểm, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, đoàn viên, hội viên khi có tranh chấp. Tham gia hội đồng thi đua khen thưởng, hội đồng kỉ luật, các cuộc kiểm tra liên ngành, các hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đối với Công đoàn có trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết hợp đồng lao động, tham gia giải quyết tranh chấp về lao động, tổ chức tư vấn pháp luật cho người lao động.
Hai là: Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; tham gia quản lý nhà nước
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm tuyên truyền công dân, đoàn viên, hội viên thực hiện quyền bầu cử theo quy định của pháp luật; giới thiệu đại diện của tổ chức ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng, ứng cử làm đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân để có tiếng nói đại diện cho tổ chức, đoàn viên, hội viên. Đối với Mặt trận Tổ quốc tham gia công tác bầu cử Quốc Hội và Hội đồng nhân dân các cấp bằng việc tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, tham gia hội nghị cử tri; lựa chọn giới thiệu hội thẩm nhân dân để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu (cấp huyện trở lên); tham gia công tác lựa chọn thẩm phán và kiểm sát viên. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để góp ý với Đảng, Nhà nước trong việc chuẩn bị dự thảo và thực hiện Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền lợi ích của nhân dân, đoàn viên, hội viên thông qua văn bản, đối thoại trực tiếp, hòm thư góp ý hoặc tiếp xúc trực tiếp đối với cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng quy chế phối hợp, mối quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương với các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp, “ Chủ tịch UBMTTQ và người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương được mời tham dự các kỳ hợp HĐND, phiên hợp UBND cùng cấp khi bàn về các vấn đề có liên quan”- (Khoản 2, Điều 15, Luật Chính quyền địa phương 2015). Qua đó, thực hiện các kiến nghị, góp ý, đề xuất với nhà nước, với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến việc bảo vệ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên. Đối với Công đoàn, tham gia xây dựng chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động; tham gia, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đề kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động và các quyền lợi ích có liên quan đến đoàn viên, người lao động.
Ba là, Tổ chức các hoạt động giám sát liên quan đến quyền lợi, chế độ chính sách của nhân dân, đoàn viên, hội viên
Các hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị xã hội mang tính xã hội; đại diện, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đoàn viên, hội viên, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013, quy định Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội được phép giám sát các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến cơ sở, các cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước trong việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phù hợp với chức năng nhiệm vụ và có liên quan đến quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, hội viên. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội chỉ đạo Ban thanh tra nhân dân (Điều 2, Nghị định 159/2016/NĐ-CP) được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước để giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc chỉ đạo Ban Giám sát đầu tư cộng đồng theo quy định tại khoản 1, điều 87, Nghị định 29/2021/NĐ-CP để đại diện Nhân dân giám sát trong từng chương trình, dự án cụ thể.
Bốn là: Tổ chức các hoạt động phản biện xã hội
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội được quy định tổ chức các hoạt động phản biện xã hội trong việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của của cơ quan nhà nước phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Phản biện mang tính xã hội, khách quan, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của văn bản dự thảo; bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
Từ thực tiễn công tác, tôi nhận thấy chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và chính sách pháp luật về bảo vệ, bảo đảm quyền con người thông qua các thiết chế xã hội nói riêng đang phù hợp và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đoàn viên, hội viên. Đặc biệt, thông qua thiết chế xã hội, bằng những chủ trương, đường lối, quy định cụ thể của Đảng, Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Nhà nước, các quy định, hướng dẫn của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tổ chức các hoạt động đều hướng về cơ sở, hầu hết công dân, đoàn viên, hội viên cơ sở được thực hành dân chủ, được bảo đảm quyền và lợi ích. Trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, báo cáo tổng kết năm 2022 của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội thể hiện nhiều số liệu cụ thể minh chứng cho việc bảo vệ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, đoàn viên hội viên; 100% các công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài nhà nước đã thương lượng thành công để ký thỏa ước lao động tập thể, xét trong 5 công ty có vốn nước ngoài, có 31 nội dung trong thỏa ước có lợi cho người lao động hơn so với quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội làm tốt việc vận động xã hội hóa kinh phí, tổ chức tặng quà cho công dân, đoàn viên hội viên có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết nguyên đán số tiền trên 10 tỉ đồng. Nhiều chương trình, kế hoạch được thực hiện nhằm nâng cao đời sống cho Nhân dân, đoàn viên, hội viên như xây nhà Đại Đoàn kết, Mái ấm công đoàn, hỗ trợ trang thiết bị gia dụng cho Nhà trọ công nhân, hỗ trợ vé xe về quê ăn Tết, tổ chức Tết Sum vầy, Tết tình thương, vận động, hỗ trợ mua BHYT, tổ chức khám bệnh miễn phí; tổ chức nhiều hoạt động , sân chơi văn hóa, văn nghệ, TDTT cho đoàn viên, hội viên, người lao động. Các đoàn thể chính trị xã hội tạo điều kiện tín chấp cho đoàn viên, hội viên được vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế nâng cao đời sống, tổng dư nợ trên 500 tỉ đồng. Công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao nhận thức cho Nhân dân, đoàn viên, hội viên được quan tâm thực hiện thường xuyên như MTTQ từ huyện đến xã tổ chức 68 hội nghị tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với 2.421 lượt người tham gia; Hội Nông dân 515 buổi, với 46.457 lượt hội viên tham gia. Hội LHPN tuyên truyền, giám sát thực hiện bình đằng giới; chính quyền các cấp thực hiện các chương trình vì sự tiến bộ của phụ nữ. MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội tổ chức cho Nhân dân, đoàn viên, hội viên được đóng góp ý kiến tham gia xây dựng luật, tiếp xúc cử tri, tham gia tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, với đoàn viên, hội viên. Tổ chức và tham gia các cuộc hòa giải ở cơ sở (Hội LHPN tổ chức được 45 cuộc hòa giải, trong đó 37 cuộc hòa giải thành). Tổ chức 149 cuộc giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở 37 xã, thị trấn.
Đến nay, Việt Nam chưa có cơ quan chuyên trách được quy định chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền riêng để bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Ở góc độ thiết chế xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội đang và sẽ thực hiện tốt hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong quá trình thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên cơ sở các quy định của pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế về quyền con người mà nước ta là thành viên./.
Nguyễn Văn Hiếu
Bí thư Đảng ủy xã An Lư, huyện Thủy Nguyên
 
Tất cả cảm xúc:
32Trà Phạm, Thiên Bình và 30 người khác

 
 
image advertisement




image advertisement
image advertisement